Phức tap, khó xử lý nước nhiễm dầu và nguy hại cho sức khỏe

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA, Cố vấn khoa học tổ chức phòng chống ung thư tại Việt Nam Ruy Băng Tím, ô nhiễm dầu nhớt là một loại ô nhiễm phức tạp. “Do dầu nhớt không phải là một chất mà là một hỗn hợp bao gồm hàng trăm chất khác nhau bao gồm các chất vòng thơm, các chất mạch thẳng ngắn hoặc dài,… Các chất nhẹ hơn nước thì nổi phía trên tạo thành lớp màn trên bề mặt, các chất nặng hơn nước thì chìm xuống dưới tích tụ trong trầm tích dưới đáy, có thể ảnh hưởng đến cá và sinh vật ăn đáy.

Vì thế, việc xử lý ô nhiễm dầu là một việc làm không dễ dàng, tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Ngoài ra, dầu đã qua sử dụng trong máy móc, xe cộ còn có thể chứa các kim loại nặng như kẽm, chì và cadmium”- Tiến sĩ Vũ phân tích. Tiến sĩ Vũ cho hay các chất trong dầu nhớt có thể nhiễm vào cơ thể nhanh qua 2 đường chính là thở và ăn uống. Qua các con đường này, các chất ô nhiễm vào máu rất nhanh.

Theo đường máu, một số hợp chất trong dầu nhớt được phân bố khắp cơ thể và nhanh chóng phân hủy thành các hóa chất khác có độ độc cao hơn hoặc thấp hơn. Bên cạnh đó, có một số chất khó phân hủy hơn có thể tích lũy trong các mô trong cơ thể.

Ngoài ra, các chất trên còn có thể nhiễm qua đường da khi tiếp xúc trực tiếp nhưng chậm hơn so với hai đường thở và ăn uống phía trên. Việc đào thải các chất độc chủ yếu qua đường tiểu và thở.

nuoc-nhiem-dau

Phân tích về nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, Tiến sĩ Vũ cho rằng ô nhiễm các chất trong dầu nhớt phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm loại hợp chất hóa học có trong thành phần ô nhiễm; thời gian tiếp xúc; lượng hóa chất tiếp xúc. “Do trong dầu nhớt ô nhiễm chứa đến hàng trăm các loại chất khác nhau, các hợp chất khác nhau trong dầu nhớt ảnh hưởng đến cơ thể theo những cách khác nhau.

Điển hình các hợp chất nhỏ như benzen, toluene và xylene, có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của con người. Nếu tiếp xúc trong một thời gian dài, tổn thương vĩnh viễn cho hệ thống thần kinh trung ương có thể xảy ra. Nếu phơi nhiễm đủ cao có thể dẫn đến chết người”- ông Vũ nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Vũ, chất Stylene trong kết quả kiểm nghiệm nước vừa được công bố là 1 trong những chất có hại trong dầu nhớt thải. Đây là chất độc. Nếu tiếp xúc ngắn hạn có thể ảnh hưởng hệ thống thần kinh như trầm cảm, mất tập trung, yếu, mệt mỏi và buồn nôn. Tiếp xúc dài hạn có thể làm hư hỏng gan, tế bào thần kinh và gây ung thư.

Hợp chất n-hexane có trong dầu nhớt ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương theo một cách khác, gây ra một rối loạn thần kinh gọi là “bệnh thần kinh ngoại biên” (peripheral neuropathy) đặc trưng bởi tê ở bàn chân và chân, trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tê liệt.

Nuốt một số sản phẩm dầu mỏ như xăng và dầu hỏa gây kích ứng da, mắt, cổ họng và dạ dày, suy nhược hệ thống thần kinh trung ương, khó thở và viêm phổi. Một số các hợp chất cũng có thể ảnh hưởng đến máu, hệ thống miễn dịch, gan, lá lách, thận, thai nhi đang phát triển.

Ngoài ra, trong đó nhiều chất đã được chứng minh có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư như Benzen đã được chứng minh là gây ung thư (bệnh bạch cầu) ở người và được cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) phân loại trong nhóm 1. Một số hợp chất khác chẳng hạn như BENZO(A)PYREN được coi là có thể và có thể gây ung thư cho người trong nhóm 2A.

“Ô nhiễm dầu nhớt trong nước là một loại ô nhiễm rất nguy hiểm và phức tạp. Nếu việc ô nhiễm này đã xảy ra ở nguồn nước dùng để cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng thì cần phải nhìn nhận vấn đề thật nghiêm túc, và xử lý thật cẩn thận nếu không thì hậu quả xấu đến sức khỏe của người dân sẽ là khôn lường”- Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ nhấn mạnh.

Nguồn: laodong.vn

Bất cập hệ thống xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp Diễn Châu – Nghệ An

đăng 01:54, 28 thg 9, 2019 bởi Môi trường TNT [ đã cập nhật 01:58, 28 thg 9, 2019 ]

Tại huyện Diễn Châu có 2 cụm công nghiệp tập trung nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao đó là Tháp – Hồng – Kỷ và Diễn Hồng. Tại cụm công nghiệp Tháp – Hồng – Kỷ mặc dù đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung gần 10 năm nay nhưng không hoạt động liên tục, còn cụm công nghiệp Diễn Hồng thì lâu nay bể lắng xử lý đã phủ đầy bèo, nước thải từ các cơ sở sản xuất chủ yếu chảy tràn và ngấm trực tiếp xuống đất…

Cụm công nghiệp Tháp – Hồng – Kỷ là một trong những cụm công nghiệp tập trung có quy mô lớn ở Diễn Châu, được UBND tỉnh ra Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết số 3981/QĐ-UBND.CN ngày 5/10/2007. Cụm công nghiệp này do UBND huyện Diễn Châu làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 51 tỉ đồng. Đến ngày 31/3/2014 thì được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM theo Quyết định 1184/QĐ-UBND, sau đó bắt đầu đi vào hoạt động. Hiện tại cụm công nghiệp này có 31 cơ sở đăng ký hoạt động, về chất thải rắn, cơ bản các cở sở sản xuất tại đây tự hợp đồng với đơn vị chức năng để vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại.

ho-lang-nghe-an

Riêng hệ thống xử lý nước thải tập trung, sau khi cụm công nghiệp này được triển khai xây dựng, nhằm đáp ứng cho nhu cầu xử lý nước thải tại tập trung tại đây, năm 2010, UBND huyện Diễn Châu đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình hạ tầng kỹ thuật với hạng mục thoát nước và xử lý nước thải, có tổng vốn đầu tư là hơn 6,1 tỉ đồng, công suất xử lý khoảng 300 m3/ngày, đêm. Đến năm 2012, sau khi xây dựng xong và hoàn thành việc đấu nối, thu gom nước thải từ các cơ sở sản xuất về đây, thì trạm này được vận hành thử. Tuy nhiên từ đó đến nay nó chỉ hoạt động cầm chừng, không liên tục theo đúng chức năng, nhiệm vụ như thiết kế ban đầu.

Chính việc đã có trạm nhưng không vận hành liên tục nên lâu nay hầu hết các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp này đều tự xử lý nước thải theo “cách của mình”, sau đó xả ra môi trường theo các con mương. Đáng nói hơn, trong cụm công nghiệp này có một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tôn, thép, chính vì thế nhiều người lo ngại rằng nếu nước thải từ các cơ sở này không được kiểm soát, xử lý chặt chẽ trước khi xả ra môi trường thì sẽ gây nguy hại rất lớn.

Theo tính toán, để vận hành trạm xử lý nước thải này cần phải có ban quản lý, đồng thời kinh phí vận hành, máy móc, hóa chất xử lý mỗi năm cũng cần đến gần 1 tỷ đồng. Theo quy định, chủ đầu tư các cụm công nghiệp (cấp huyện), chịu trách nhiệm xây dựng hạ tầng xử lý nước thải, còn kinh phí xử lý phải được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chi trả. Tuy nhiên trên thực tế, việc này chưa thực hiện được. Ông Hoàng Văn Ba – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Diễn Châu cho rằng, vấn đề này báo chí cũng đã nhiều lần đề cập, tuy nhiên thực tế hiện nay vẫn chưa có phương án vận hành hiệu quả.

Nằm gần như đối diện với cụm công nghiệp Tháp – Hồng – Kỷ, cách Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Diễn Hồng là cụm công nghiệp Diễn Hồng. Cụm công nghiệp này chính thức có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết từ ngày 3/8/2004 theo Quyết định 3940/QĐ-UBND.CN của UBND tỉnh, nhưng trên thực tế các cơ sở tại đây đã sản xuất tự phát từ trước đó. Hiện nay tại cụm công nghiệp này có đến 41 cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực thu mua, chế biến phế liệu.Mặc dù tại cụm công nghiệp này đã có 3 hồ lắng nước thải, tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, các hồ lắng này hiện nay đã phủ đầy bèo. Hơn nữa nước thải trong khu vực không hoàn toàn được thu gom về đây. Mà mỗi khi mưa xuống, nước thải từ phế liệu chảy tràn cả ra đường, ngấm xuống lòng đất.

Ông Nguyễn Hồng Trung – Chủ tịch UBND xã Diễn Hồng cho biết: Điều khiến chính quyền địa phương đau đầu nhất hiện nay chính là vấn đề ô nhiễm môi trường. Hiện nay xã đang quyết liệt xử lý tình trạng đổ phế liệu ra đường gây ô nhiễm môi trường, sau khi xử lý xong vấn đề này thì sẽ đề xuất phương án nâng cấp, sửa chữa lại các hồ lắng và tiến hành xây dựng các đường mương để dẫn nước thải trong cụm công nghiệp này về hồ lắng. Chứ nếu cứ để tình trạng chảy tràn ra đường như thế này thì sẽ rất nguy hiểm.

Đặt câu hỏi về vấn đề ô nhiễm tại cụm công nghiệp Diễn Hồng và sự bức thiết phải giải quyết vấn đề xử lý nước thải tại đây, ông Đậu Ngọc Long – Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Diễn Châu, cũng là đơn vị được giao quản lý cụm công nghiệp Diễn Hồng cho rằng: Vấn đề này cũng đang khiến huyện đau đầu, do trước đây hệ thống hạ tầng cụm công nghiệp không được đầu tư đồng bộ, dẫn đến việc không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trước mắt cũng phải nghiên cứu giải pháp xử lý đồng bộ, chứ việc xử lý như thế này (dọn dẹp phế liệu đổ tràn ra đường như hiện nay), hiệu quả không được bao nhiêu mà lại tốn kém. Riêng việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại cụm công nghiệp Diễn Hồng, ông Long cũng cho rằng rất cần thiết nhưng cũng phải nghiên cứu kỹ lưỡng tránh việc đầu tư tốn kém hàng đống tiền nhưng lại không hiệu quả.

Theo Khoản 1, Điều 6, Thông tư 31/2016/TT-BTNMT, ngày 14/10/2016 về việc bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, của Bộ TN&MT thì: Trách nhiệm của cơ sở trong cụm công nghiệp là phải hợp đồng với chủ đầu tư để đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý tập trung của cụm công nghiệp hoặc ký hợp đồng xử lý với cơ sở có chức năng. Tuy nhiên thực tế như tại 2 cụm công nghiệp ở Diễn Châu thì thấy rằng nơi đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì chưa có giải pháp để vận hành hiệu quả, còn nơi chưa có thì đang rất cần trước nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nguồn: laodongnghean.vn

Dân kêu trời vì nước thải của Cụm công nghiệp Bình Lục, Hà Nam

đăng 01:22, 19 thg 9, 2019 bởi Môi trường TNT [ đã cập nhật 01:22, 19 thg 9, 2019 ]

Từ nhiều năm nay, người dân hai thôn Thượng Đồng và Duy Dương xã Trung Lương, huyện Bình Lục (Hà Nam) phải chịu cảnh “chung sống” với nước thải của Cụm công nghiệp (CCN) Bình Lục xả ra kênh mương, đồng ruộng của người dân khiến bà con không khỏi bức xúc.

Ông Trần Chí Hoà (SN 1968) ở thôn Duy Dương cho biết: Từ khi CCN Bình Lục đi vào hoạt động gần chục năm đến nay người dân chúng tôi hứng chịu nhiều ô nhiễm từ việc xả thải của các nhà máy sản xuất trong CCN Bình Lục, khí thải cũng có mà nước thải cũng không ít. Hiện, kênh tiêu nước của cả cánh đồng trong thôn nay đã được nhuốm màu bởi nước thải có màu đen kịt, sủi bọt và có mùi rất khó chịu. Nước chảy dọc kênh, đi đến đâu thì chảy vào ruộng lúa của người dân đến đó, gây chết lúa và năng suất giảm rõ rệt.

nuoc-thai-co-mui-hoi-thoi

Nếu nước thải này chảy vào ao cá của người dân còn gây chết cá, từ đầu năm đến nay ao cá nhà tôi chết gần 1 tấn cá toàn cá trắm, cá chép loại 3 – 4 kg/con, ông Hoà bức xúc cho biết. Ngược theo con kênh nước thải về phía CCN Bình Lục, càng gần CCN thì nước càng đen sẫm và mùi hôi thối, khó chịu. Theo quan sát của PV, nước thải đen kịt này chảy ra từ hồ nước thải trong CCN, gọi là hồ nhưng thực chất lại chỉ được đắp bằng bờ đất rất sơ sài. Tại đây, nhiều điểm rò rỉ ra ruộng lúa, còn có 1 điểm xả ồ ạt ra kênh tiêu nước sau đó đổ ra sông.

Người dân chúng tôi cũng đã kiến nghị nhiều lần nhưng tình trạng xả thải vẫn được diễn ra ngang nhiên, đặc biệt là lợi dụng trời mưa thì tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường còn kinh khủng hơn. Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Đăng Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lương lại cho rằng: Khoảng tháng 06/2019 có tình trạng 1 – 2 lần nước mưa và nước thải mặt trong CCN Bình Lục tràn ra ngoài môi trường? Xã cũng đã có ý kiến với Công ty Cổ phần Bình Mỹ (Chủ đầu tư CCN Bình Lục) phải đắp lại bờ không cho nước chảy ra kênh. Còn về tình trạng cá chết, lúa chết do nước thải thì vị Phó Chủ tịch cho rằng là không có tình trạng trên?

nha-may-xu-ly-nuoc-thai

Được biết, CCN Bình Lục do Công ty Cổ phần Bình Mỹ làm Chủ đầu tư, bắt đầu xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2008, hiện đang có 8 doanh nghiệp đang sản xuất với các ngành nghề như may mặc, đồ chơi, sản xuất vonfram… Phải đến tận 10 năm sau, năm 2018 nhà máy xử lý nước thải của CCN này mới được hoàn thành. Tuy nhiên, tại thời điểm PV tác nghiệp nhà máy xử lý nước thải này nằm trong tình trạng cửa đóng then cài, không có nhân viên trực, điều hành, máy móc im lìm.

Rất mong, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tỉnh Hà Nam nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra, xử lý tình trạng trên, mang lại cuộc sống trong lành cho người dân nơi đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *